Vùng đất và con người Điện Bàn (Bài 7)
Tháng 9-1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Một số cơ sở Đảng bị tan vỡ. Nhiều đảng viên bị bắt. Mặc dù bị địch giam cầm trong các nhà tù, các đảng viên của Đảng vẫn không nao núng tinh thần. Tranh thủ thời gian ngồi tù, họ tranh thủ tổ chức học chính trị, học văn hóa, học viết báo, học diễn thuyết để nâng cao trình độ.
Từ cuối 1941 đến cuối 1942, mặc dù bị địch truy nã, các Chi bộ Đảng vẫn tiếp tục được xây dựng và tồn tại, mỗi chi bộ có một bí danh riêng. (20-62).
Cuối năm 1941, Xứ ủy Trung Kỳ được thành lập do Lê Chưởng làm Bí thư. Cơ quan Xứ ủy đóng ở Đông Quang và La Thọ. Đồng bào địa phương đã giúp cơ quan Xứ ủy cả về vật chất và tinh thần.
Thông qua cơ quan Xứ ủy, Đảng bộ Quảng Nam và Điện Bàn có thể tiếp nhận được Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (5-1941) họp tại Pắc Bó (Cao Bằng) và chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh, đoàn kết toàn dân để giành chính quyền trong cả nước.
Nhiều cuộc mít tinh trong quần chúng từ 100-200 người được tổ chức ở Thanh Tú, La Thọ, Đông Quang, Đất Ký, Quảng Cái để kỷ niệm ngày thành lập Đảng, ngày Phụ nữ Quốc tế, ngày Lao động Quốc tế…
Sau ngày 9-3-1945 (ngày Nhật đảo chính Pháp) nhiều đảng viên được ra khỏi tù, tăng cường lực lượng cho cách mạng. Các Ban vận động Việt Minh được thành lập.
Ban thứ nhất có các đảng viên ở La Thọ, Đông Quang, La Huân, Hà Mật tham gia.
Ban thứ hai có các đảng viên Võ Ái, Bùi Tùng, Cao Sơn Pháo, Võ Thị Hồng tham gia.
Tháng 5-1945, từ sự hợp nhất của hai Ban Việt Minh nói trên, Ủy ban vận động cứu quốc bí mật Điện Bàn được thành lập với mật danh Ban vận động Việt Minh Lam Sơn (Ủy ban vận động cứu quốc Lam Sơn) do Bùi Tùng làm Bí thư.
Ở Điện Bàn lúc này còn có một Ban vận động Việt Minh thứ ba do các đảng viên vừa ra khỏi các nhà tù từ Phan Rang, Đắc Tô về thành lập. Các Ban vận động Việt Minh đã cử cán bộ xuống các tổng, xã trong Phủ để vận động quần chúng chuẩn bị khởi nghĩa. Các Ban vân động Việt Minh kêu gọi quần chúng không đi xâu cho Nhật, chống phát xít Nhật thu bông vải, thu dầu phụng, thu thuế.
Ở Đông Quang, La Thọ, Bích Trâm, Quang Hiện, Hà Thanh đã tổ chức các đội, tổ tự vệ bí mật rèn giáo mác và tập luyện quân sự, sắm băng cờ, biểu ngữ.
Chiều ngày 15-8-1945, ông Phan Tốn – Tỉnh ủy viên – phụ trách khu vực Điện Bàn, báo tin Nhật đầu hàng Đồng Minh và Tỉnh ủy quyết định phát lệnh khởi nghĩa. Thường trực Ủy ban khởi nghĩa của Tỉnh đóng tại nhà Nguyễn Xuân Vân (Tú Vân) ở Bích Trâm.
Ủy ban bạo động Phủ Điện Bàn được thành lập do Phan Tích làm Trưởng ban, Bùi Tùng làm phó ban. Cơ quan Ủy ban bạo động Phủ Điện Bàn đóng ở nhà ông Hương Ban và Cửu Nhơn (La Thọ) tấp nập in truyền đơn, may cờ, dán biểu ngữ để phân phát cho ban bạo động các tổng và xã. (20-69).
Tối ngày 17-8-1945, Ủy ban bạo động Điện Bàn nhận được lệnh phát động khởi nghĩa của Vụ Quang (Tỉnh ủy). Điện Bàn được giao nhiệm vụ gấp rút huy động quần chúng nổi dậy giành chính quyền.
Từ tối ngày 17-8 đến khoảng 1 giờ sáng ngày 18-8, lệnh khởi nghĩa của Ủy ban bạo động Phủ về tới các Ủy ban bạo động của các tổng, xã. Tức thì thanh la, trống, mõ nổi lên liên hồi, từ làng này đến làng khác, từ tổng này đến tổng khác. Đèn đuốc thắp sáng đêm, làng xóm chuẩn bị cơm nước, băng, cờ, giáo mác, gậy gộc, chờ lệnh tập trung và đi cướp chính quyền. (20-70).
Đúng 9 giờ sáng ngày 18/8/1945, Điện Bàn hoàn thành vẻ vang cuộc tổng khởi nghĩa, chính quyền trên toàn bộ địa bàn Phủ đã về tay nhân dân.
Không dừng lại, cùng với cả tỉnh và cả nước Điện Bàn lại tiếp tục củng cố lực lượng, bước vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ suốt liền 30 năm (1946-1975) để bảo vệ thành quả Cách mạng tháng Tám.
Ngày 1.10.1945, phủ ủy lâm thời phủ Điện Bàn, mật danh là phủ ủy Lê Hưu được thành lập. Phủ ủy đã kịp thời đề ra một số chủ trương lớn và lãnh đạo thực hiện như:
-Củng cố chính quyền các cấp vững mạnh và kiên quyết trấn áp bọn phản cách mạng.
-Củng cố Mặt trận Việt Minh và các tổ chức quần chúng cứu quốc để tập hợp mọi quần chúng nhân dân bảo vệ chế độ và xây dựng cuộc sống mới.
-Mở lớp bình dân học vụ để xóa nạn mù chữ cho nhân dân, đồng thời vận động phong trào sản xuất tiết kiệm, phòng và cứu đói.
-Thực hiện một số chính sách nhằm chăm lo giải quyết những nhu cầu bức thiết về đời sống nhân dân như: Chia lại công điền, công thổ cho công dân từ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam nữ, chống tệ bao chiếm bao tá công điền, xóa bỏ các thứ thuế, các món nợ lâu đời, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa mới, bài trừ các tệ nạn cờ bạc, rượu chè, hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan.
-Củng cố và xây dựng hệ thống Đảng từ phủ xuống các xã, thành lập chi bộ Đảng ở các cơ quan, ban, ngành và các xã có đủ điều kiện và đồng thời chú trọng phát triển đảng viên mới, nhất là những quần chúng đã được thử thách trong đấu tranh cách mạng, trong xây dựng cuộc sống mới.
Ngày 6.1.1946, cùng với cả nước, nhân dân Điện Bàn lần đầu tiên đi bầu cử trong trách nhiệm và quyền hạn làm chủ của mình đối với vận mệnh nước nhà.
Từ năm 1946-1948, Đảng bộ Điện Bàn lãnh đạo quân và dân trong huyện thực hiện chủ trương kháng chiến và kiến quốc. Củng cố và xây dựng lực lượng vũ trang, chống địch càn quét, khủng bố, từng bước đưa phong trào của huyện tiến lên.
Từ năm 1948-1950, đẩy mạnh phong trào nhân dân du kích chiến tranh, đánh bại âm mưu bình định của thực dân Pháp. Cuộc kháng chiến của nhân dân Điện Bàn chuyển sang một giai đoạn mới. Đánh bại âm mưu chiêu an, dồn dân của địch, xây dựng thế trận kháng chiến vững chắc.
Từ 1951-1954, cuộc kháng chiến “Toàn dân, toàn diện” phát triển mạnh mẽ, phối hợp với chiến trường chính giành nhiều thắng lợi.
Trận đánh đồi Bồ Bồ lịch sử vào đêm 19 rạng ngày 20.7.1954 ghi dấu chiến công vẻ vang, là đỉnh cao của thế trận nhân dân du kích chiến tranh, trận đánh cuối cùng của lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, là trận tiêu diệt địch và bắt tù binh lớn nhất của bộ đội địa phương trên chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng và Liên khu V trong 9 năm kháng chiến chống Pháp xâm lược.
Từ 1954-1975, Đảng bộ lãnh đạo nhân dân Điện Bàn tiếp tục cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Từ 1954-1959, đấu tranh chính trị đòi Mỹ – Diệm thi hành Hiệp định GiơNeVơ, tổ chức hiệp thương Tổng tuyển cử thống nhất đất nước, chống “tố cộng”, giữ gìn lực lượng cách mạng. Trong giai đoạn này, nhiều chiến sĩ cách mạng ở Điện Bàn đã anh dũng hy sinh, nhiều tấm gương trung liệt đi vào lịch sử như đồng chí Đinh Tùng, Người con gái Việt Nam anh hùng Trần Thị Lý, Ngô Dinh… Cuộc đụng đầu giữa nhân dân ta và Mỹ – Diệm ngày càng quyết liệt.
(Còn tiếp…)