Vùng đất và con người Điện Bàn (Bài 6)

Loading

Lê Đình Dương cũng là nghĩa sĩ của cuộc khởi nghĩa năm 1916. Khởi nghĩa không thành công, ông bị Pháp bắt, đày vào Khánh Hòa rồi lên Buôn Ma Thuột. Tại đây, không cam chịu những nhục hình tàn bạo của nhà tù thực dân, ông đã dùng thuốc độc tự kết liễu đời mình vào năm 1919.

Các phong trào yêu nước của nhân dân Điện Bàn từ 1958 đến 1916 diễn ra dưới những hình thức khác nhau, không tách rời với phong trào của toàn tỉnh và toàn quốc. Dù chưa đi đến thành công, nhưng các phong trào đó đều nằm trong quỹ đạo của cuộc đấu tranh giành lại chủ quyền dân tộc và góp phần tăng cường sức mạnh truyền thống yêu nước của dân tộc.

Từ sau khi Nguyễn Ái Quốc tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn, cuộc đấu tranh yêu nước trên đất Điện Bàn cùng với toàn tỉnh và toàn quốc đã có những chuyển hướng mới mẻ.

Năm 1929, Chi bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên đầu tiên ra đời ở Điện Bàn với sự tham gia của các ông Phạm Thâm (Xuân Đài), Nguyễn Thành (Bất Nhị), Nguyễn Tụy (Cẩm Lậu)… do Phạm Thâm làm bí thư.
Ngày 5 tháng 4 năm 1930, chi bộ Đảng Cộng SảnViệt Nam đầu tiên ở Điện Bàn ra đời gồm các đồng chí: Nguyễn Thành, Nguyễn Tụy, Đỗ Thành. Đồng chí Nguyễn Thành làm Bí thư.

Tiếp đó, các chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam lần lượt ra đời. Chi bộ ở Hà Thanh – Bích Trâm do Phạm Trần (Hà Thanh) làm Bí thư. Chi bộ ở Cẩm Lậu do Nguyễn Tụy làm Bí thư. Chi bộ ở Thanh Chiêm do Phạm Lang phụ trách. Chi bộ ở Hà Mật do Đặng Văn Y làm Bí thư.

Từ tháng 4-1930 đến tháng 7-1930, trên đất Điện Bàn đã có 5 Chi bộ Đảng với 23 Đảng viên. Phủ ủy Điện Bàn được thành lập do Nguyễn Thành được cử làm Bí thư Phủ ủy và Phạm Trần được chỉ định vào Phủ ủy. (20-39).

Cuối năm 1930, thực dân Pháp truy nã ráo riết và khủng bố dã man những người cộng sản. Ở Điện Bàn 20 đảng viên bị bắt và bị kết án từ 1 đến 5 năm tù. Đồng chí Nguyễn Thành – Bí thư Phủ ủy, bị tra tấn dã man và đã anh dũng hy sinh trong nhà lao đế quốc.

Trong cuộc vận động dân chủ 1936-1939, các cơ sở Đảng trên đất Điện Bàn được nhanh chóng phục hồi.

Năm 1936, Chi bộ Đảng được tổ chức lại ở La Thọ gồm 4 đảng viên do Nguyễn Thúy làm Bí thư.

Cho đến năm 1939, Điện Bàn đã xây dựng được 7 Chi bộ Đảng với 30 đảng viên, lập được Phủ ủy.

Phủ ủy được lập lại có sự tham gia của Nguyễn Thuý, Nguyễn Chánh Biên, Nguyễn Mai. Sau khi Nguyễn Thúy và Nguyễn Chánh Biên bị bắt, Nguyễn Xuân Nhĩ được cử làm Bí thư Phủ ủy với sự bổ sung hai đồng chí mới là Thái Lan và Thái Hựu.

Trong những năm 1936-1939, phong trào đấu tranh yêu nước ở Điện Bàn diễn ra dưới nhiều hình thức phong phú và sôi nổi.

Năm 1936, tại các làng Tứ Giáp, Đông Quang, La Thọ, Hà Thanh, quần chúng đã tổ chức nhiều cuộc họp thảo luận dân nguyện.

Tháng 6-1938, nhân dân kéo nhau đến nhà Hà Đằng, Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ, là dân biểu trong hạt, yêu cầu ông cùng với nhân dân chống lại dự án thuế do Khâm sứ Trung kỳ nêu ra.
Ngày 29-5-1930, 300 đảng viên và quần chúng cảm tình Đảng kéo về Bảo An tham gia lễ truy điệu nhà trí thức yêu nước Phan Thanh.

(Còn tiếp…)

Lê Hồng Sơn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *