Vùng đất và con người Điện Bàn (Bài 3)

Loading

1. Truyền thống hiếu học, học giỏi và đỗ đạt

Văn hóa do con người tạo nên nhưng đó là những con người có mối quan hệ sâu sắc với cội nguồn và cũng có mối quan hệ hài hòa với thiên nhiên. Văn hóa của con người từ phía Nam đèo Hải Vân trở vào không thể tách rời với cội nguồn Đại Việt, lại cũng không thể tách rời với điều kiện thiên nhiên, môi trường lao động, sinh sống mới và cũng không thể không tính đến những mối quan hệ với văn hóa Champa.

Văn hóa của người Việt phía Nam đèo Hải Vân trên đất Quảng Nam vẫn giữ gốc là văn hóa Đại Việt nhưng đã được bổ sung thêm những giá trị mới từ nền văn hóa Chiêm Thành.

Người Việt đã nhanh chóng hòa nhập (chứ không phải đồng hóa) và học được rất nhiều thành quả của người Chăm.
Từ xa xưa Điện Bàn có mầm mống của một vùng “đất học” và cùng với sự mở mang, khai triển, phát triển kinh tế… là sự phát triển của trí tuệ, sự phát triển của học vấn.

Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn phần nói về Quảng Nam cho biết dưới thời các Chúa Nguyễn nhiều thí sinh của Quảng Nam đã đỗ đạt tại các kỳ thi do các chúa Nguyễn tổ chức(*) để chọn người làm việc trong bộ máy chính quyền. Trong số này thuộc huyện Diên Phước (Điện Bàn ngày nay) có Nguyễn Quang Lộc, Phạm Hữu Kính, Phan Phước Ân… Trương Công Hy người Điện Bàn sinh năm Đinh Mùi (1727) đỗ Hương Cống thời chúa Nguyễn và đã làm quan dưới triều đại Tây Sơn đến chức thượng thư bộ binh trấn nhiệm Khâm sai Đại thần Quảng Nam.

Thời các chúa Nguyễn, xứ Đàng Trong tuy có thi cử nhưng do tổ chức chưa đều và quy chế chưa chặt chẽ nên hệ thống học vị cũng chưa rõ ràng. Xứ Đàng Trong nói chung chỉ thực sự hòa nhập vào guồng máy giáo dục và thi cử của cả nước do Triều Nguyễn tổ chức. Từ năm 1813, Triều Nguyễn mở hai Trường thi ở xứ Đàng Trong cũ, đó là trường Quảng Đức (dành cho sĩ tử từ Quảng Bình đến Khánh Hòa ngày nay) và trường Gia Định (dành cho sĩ tử từ Ninh Thuận đến miền cực Nam của đất nước ta hiện nay).

Năm Kỹ Mão (1819), trường Quảng Đức đổi tên gọi là trường Trực Lệ và năm Ất Dậu (1825) lại đổi là trường Thừa Thiên. Tên gọi “Trường Thừa Thiên” được giữ mãi cho đến ngày chấm dứt nền thi cử Nho học ở nước ta. Sĩ tử của Điện Bàn (Diên Phước) thời Triều Nguyễn tham gia các khóa thi ở trường Thừa Thiên. Theo thống kê của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thuần trong một bài viết “Đất quê Phạm Phú Thứ: Đất học” thì trong thời gian tồn tại (1813-1918), trường Thừa Thiên đã tổ chức tất cả 41 khoa thi, lấy đỗ trước sau tổng cộng 1250 vị cử nhân (chưa tính số người đỗ tú tài). (19-6).
Dựa theo “Quốc Triều Hương khoa lục” của Cao Xuân Dục, có thể biết được khá cụ thể các nhà khoa bảng từ huyện Diên Phước (Điện Bàn).

Trong số 1250 người đỗ cử nhân của trường Thừa Thiên, có 193 người của Diên Phước (Điện Bàn). Số 1157 người còn lại là của Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, các huyện khác của Quảng Nam, của Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa(*). Có một số sĩ tử ở Đàng Ngoài được gửi đến dự thi ở trường Thừa Thiên. Như vậy có thể thấy số sĩ tử của Diên Phước chiếm một tỷ lệ rất cao trong số người đỗ so với các địa phương khác.

+ Từ thời 1635 – 1675 ở Đàng Trong cứ 9 năm một lần, chính quyền mở “Thu vi hội thi” (Thi hội mùa thu). Thí sinh Đàng Trong tập trung về Phủ Chúa ở Kim Long – Phú Xuan để dự thi.
+ Đến năm Nhâm Tý (1852), Bình Định mới có trường thi riêng

Sĩ tử Diên Phước không những đỗ nhiều mà còn đỗ cao. Trong số 193 người của Diên Phước có 26 người đỗ từ hạng 1 đến hạng 10, có 29 người đỗ từ hạng 11 đến hạng 20, có 29 người đỗ từ hạng 21 đến hạng 30, có 9 người đỗ hạng dưới 31.

Phạm Phú Thứ đỗ thủ khoa năm Nhâm Dần (1842) và Phạm Liệu đỗ thủ khoa năm Giáp Ngọ (1894).

Có hai vị đỗ Á khoa là Phạm Hữu Nghi (khoa Tân Tị – 1821) và Nguyễn Tường Vĩnh (khoa Đinh Dậu – 1837).

Sau khi chính thức đỗ cử nhân trường Hương, các sĩ tử tham gia các khoa thi Hội tổ chức ở Kinh thành Huế. Đất Diên Phước có 12 người đỗ từ phó bảng trở lên. Có bảy vị đỗ phó bảng là Phạm Hữu Nghi (*), Nguyễn Tường Vĩnh (*), Nguyễn Duy Tự, Hoàng Kim Tích (Hoàng Diệu), Nguyễn Duy Hiệu, Phạm Hữu Dụng, Ngô Truân (Ngô Chuân – Ngô Lý). (19 -9).

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thuần, đất Diên Phước có các vị đỗ tiến sĩ là Nguyễn Tường Phổ, Phạm Phú Thứ, Phạm Như Xương, Phạm Trọng Tấn, Phạm Liệu. (19-9). Ngoài ra còn phải kể đến Trần Quý Cáp, đỗ tiến sĩ năm 1904.

Gò Nổi là vùng đất có truyền thống học hành nổi tiếng. Thời Hán học dưới triều Nguyễn, riêng vùng đất hiện nay là xã Điện Quang có đến 33 vị đậu cử nhân và tiến sĩ. (Phi Phú có 1 cử nhân; Vân Ly có 1 cử nhân; Na Kham có 4 cử nhân; Xuân Đài có 7 cử nhân và 1 tiến sĩ, riêng Bảo An có đến 17 cử nhân và 2 phó bảng). (19-87).

Có gia đình có truyền thống khoa bảng. Chẳng hạn như Phạm Phú Thứ đỗ đầu khoa thi Hương năm Nhâm Dần (1842) và đỗ khoa thi Hội năm Quý Mão (1843), thì anh ruột của ông là Phạm Tân Hồng cũng đỗ cử nhân tại trường Thừa Thiên Khoa Quý Mão (1843), cháu gọi ông là chú ruột – Phạm Phú Lâm – con của ông Phạm Tân Hồng đỗ cử nhân tại trường Thừa Thiên, khoa Mậu Thìn năm 1868, và Phạm Phú Tiết – cháu nội của Phạm Phú Thứ đỗ cử nhân tại trường Thừa Thiên khoa Nhâm Ngọ (1918) – khoa thi Hương cuối cùng của lịch sử Nho học Việt Nam.

Người Quảng Nam gọi khoa thi Mậu Tuất (1898) là “Khoa ngũ phụng tề phi” hay “ Ngũ phụng Quảng Nam”. Khoa thi năm ấy, Quảng Nam có năm người cùng thi đỗ: có ba người đỗ tiến sĩ là Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn; có hai người thi đỗ phó bảng là Ngô Chuân, Dương Hiển Tiến.

Trong số năm vị nói trên có bốn vị là người Diên Phước (Phạm Liệu, Phạm Tuấn, Ngô Chuân, Dương Hiển Tiến). Các bậc tú nho, lão nho ở địa phương cho rằng đó là do tú khí của núi sông sở tại.

+ Vua Minh Mệnh đạt học vị phó bảng kể từ năm Kỷ Sửu (1829). Học vị này dành cho những người đỗ tam trường ở các khoa thi Hội, Phạm Hữu Nghi đỗ tam trường trước năm 1929 nên có thể xem như là có học vị phó bảng.
+ Nguyễn Tường Vĩnh ở xã Cẩm Phô (lúc này thuộc huyện Diên Phước). Có một số địa phương thuộc huyện Diên Phước cũ về sau không nằm trong địa giới Điện bàn mà thuộc về Hội An.

(Còn tiếp…)

Lê Hồng Sơn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *