Vùng đất và con người Điện Bàn (Bài 2)

Loading

*.Những dấu ấn lịch sử:

Dinh trấn Thanh Chiêm trên đất Điện Bàn, niềm tự hào của lịch sử Đàng trong.

Sự tranh cãi giữa Cồn Húc và Thanh Chiêm là hai hay một tạm thời vẫn chưa ngã ngũ, nhưng việc tồn tại về một Dinh trấn Thanh Chiêm ở tại làng Thanh Chiêm (nay thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn) qua những khảo sát điền dã của các nhà nghiên cứu sau này như cuộc điền dã của giáo sư Trần Quốc Vượng vào năm 1994-1995, đoàn các nhà nghiên cứu nhân Hội thảo kỷ niệm 400 năm Dinh trấn Thanh Chiêm ở Quảng Nam năm 2002, cuộc khai quật khảo cổ học của đoàn chuyên gia Bộ Văn hóa Thông tin phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản trong 3 năm (2000-2002) cùng các vết tích như tường thành, thành vệ, nhà lao, hành cung, kho muối, tàu tượng, mô súng, tịch điền, vọng khuyết, phường đúc, chợ củi, gò sứ… là minh chứng về sự tồn tại của thủ phủ xứ Đàng Trong ở thế kỷ XVII-XVIII trên đất Thanh Chiêm, Điện Bàn.

Vùng đất Quảng Nam dưới thời các Chúa Nguyễn chỉ có thể phát huy được vai trò lịch sử của mình khi nó có một dinh trấn ổn dịnh-dinh trấn Thanh Chiêm.

Ở thế kỷ XVII và XVIII, dinh trấn Quảng Nam trên đất Điện Bàn cùng với các vùng phụ cận đã giữ một vai trò quan trọng trong việc mở đất về phía nam và định hình lãnh thổ. Nếu trong cuộc đối đầu để chống lại tham vọng của chúa Trịnh ở phía Bắc, dinh trấn Thanh Chiêm là “hậu dinh” của chính dinh (thủ phủ Phú Xuân) thì trong sự nghiệp mở nước về phía Nam, dinh trấn Thanh Chiêm lại là “tiền dinh” của “chính dinh”.

Nhưng điều quan trọng không thể quên được là phía sau sự phồn vinh một thời của cảng thị Hội An, phía sau hình ảnh hào hùng tráng khái của các nhân vật thời chúa Nguyễn, “còn có hình ảnh của hàng vạn, hàng triệu dân chúng kế tiếp nhau, hết lớp này đến lớp khác cùng nhau đuổi hùm voi, phá bờ bụi, rạch núi, nối sông, chinh phục hoang vu, kiến tạo làng mạc, khắc phục sức ương ngạnh của đất đai, rừng rú để mở con đường sống, đảm bảo cho thế trường tồn” (4.75), phát triển của dân tộc, giống nòi.

Qua nhiều thế kỷ liên tục lao động, sáng tạo, Điện Bàn không chỉ tạo dựng được nhiều làng xóm trù mật, không chỉ là mảnh đất đã sinh thành dinh trấn Thanh Chiêm lịch sử mà còn là nơi đã đã phát sinh ra chữ quốc ngữ.

Địa bàn phát sinh chữ Quốc ngữ

Ngoài vai trò xúc tác sự phát triển nội thương và ngoại thương, dinh trấn Quảng Nam cùng với vùng phụ cận đã thúc đẩy sự giao tiếp văn hóa, đặc biệt nhất đã là trở thành địa bàn phát sinh ra chữ Quốc ngữ. Do nhu cầu rao giảng, các giáo sĩ phương Tây (Bồ Đào Nha) đã học nói tiếng Việt và tìm cách ghi lại theo kiểu chữ Latinh của họ. Dần dần chữ Quốc ngữ hình thành.

Trên mảnh đất Điện Bàn kể từ khi công chúa Huyền Trân trở thành hoàng hậu của nhà vua Chế Mân (Chiêm Thành) cho đến đầu thế kỷ XIX, lao động sáng tạo của con người đã biến một mảnh đất hoang sơ, thưa thớt trở nên phì nhiêu, trù phú, đông đúc, đã tạo dựng nên một mảnh đất tin cậy để thủ phủ Thanh Chiêm được xác lập, đã sản sinh ra một cái nôi để chữ Quốc ngữ có thể phát sinh – đấy hẳn phải là đất của “địa linh – nhân kiệt”. Đất của địa linh – nhân kiệt chắc phải có nguồn gốc từ hình thế núi sông, từ chiều sâu của những điều kiện kinh tế – văn hóa xã hội và của khả năng học vấn.

II. MỘT VÙNG “ĐỊA LINH – NHÂN KIỆT”

Nhiều người đã nói đến những yếu tố “địa linh – nhân kiệt” của vùng đất Điện Bàn nhưng nói một cách cặn kẽ là chuyện “khó có thể”.

Người ta bảo Điện Bàn là vùng đất “địa linh – nhân kiệt” vì nơi ấy đã sinh thành nhiều nhà khoa bảng, nhiều anh tài, nhiều người có chí lớn, nhiều hào kiệt góp phần làm rạng danh đất nước.

Có người lại bảo, Điện Bàn là đất “địa linh” vì nơi ấy có sông biển bao la, đất đai nhiều chất, có phù sa màu mỡ. Đất trời bao la phóng khoáng như luôn mở rộng, trải dài để rồi tiếp cận với những vùng đất trù mật khác.

Đèo Hải Vân như là một sự dồn nắn bức bách, nhưng khi đã vượt qua được quãng đèo này, đất trời như mở rộng bao la giữa một biển xanh hiền hòa. Xa xa về phía Tây của Điện Bàn là núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, giàu lâm thổ sản và rừng xanh vô vàn cây lá để đến mùa mưa, những chất mùn và phù sa của cả một dải rừng miền Tây rộng lớn theo nước các dòng sông đổ về cho đồng bằng mênh mông sự phì nhiêu tươi tốt.

Chỉ là một địa phương nhỏ của một đất nước trải dài, nhưng Điện Bàn có cả sông và biển, đất đai đa dạng, kể cả những vùng đất phù sa màu mỡ dọc sông Thu Bồn, lại được điểm xuyết bởi vùng đồi Bồ Bồ để cảnh quang thêm nhiều màu sắc…

Chẳng bao giờ có thể tách Điện Bàn ra khỏi dòng sông Thu Bồn, dòng sông đã tạo nên một Gò Nổi cực kỳ hấp dẫn không chỉ vì chất đất, về nguồn nước mà cả về cảnh quang. Đi ôtô từ Đà Nẵng vào Tam Kỳ, ngang qua cầu Câu Lâu, ngước mắt nhìn về phía Gò Nổi, du khách có thể thấy mênh mang đất trời, mênh mang sông nước của một cảnh quang giàu sự sống và dồi dào sinh khí.

Nhưng đâu chỉ có sông Thu Bồn. Gắn với Thu Bồn còn có bao nhiêu dòng sông khác, sông đào Vĩnh Điện, sông Bàu Sấu, sông Thanh Quýt… Những dòng sông ấy như những mạch máu quyện chặt lấy đất đai, tỏa khắp trong cơ thể của các làng xã trong huyện…

Một vùng đất “có nguồn gốc phát sinh từ sản phẩm phù sa” lại được bao quanh bởi những địa danh cũng nổi tiếng trù phú như Đại Lộc, Duy Xuyên, bởi những thành phố từng có thời nổi tiếng thịnh vượng như Đà Nẵng, Hội An – Điện Bàn, vùng đất ấy chắc phải là nơi tụ hội những tinh hoa của đất trời và của lịch sử.

Nhưng “địa linh” không chỉ có từ khí thiêng của sông núi đất đai mà còn có từ mối giao hòa giữa Đất và Người. Con người là hoa của đất. Đất nuôi sống và nhào nặn con người. Con người bám chặt vào đất để làm nên lịch sử. Đất nuôi người và người làm cho đất giàu sinh khí. Mảnh đất “địa linh” – phải là một mảnh đất trù phú – một sự trù phú cũng do Đất và Người tạo nên. Điện Bàn là một mảnh đất trù phú: trù phú về kinh tế, giàu có về văn hóa và học vấn; trù phú về nhân tài và các danh nhân, trù phú về truyền thống lao động sản xuất và truyền thống yêu nước. Chưa kể cả huyện, chỉ kể riêng một xã như xã Điện Quang mà đã có biết bao nhiêu nhân tài và danh nhân từ nhiều tộc họ khác nhau: họ Phan, họ Trần, họ Lê, họ Hoàng…

Trong sự giao hòa giữa Đất và Người, giữa khí thiêng sông biển và chất người lao động cần cù, năng động tư duy, cùng với sự trù phú của lịch sử, Điện Bàn là đất “Địa linh nhân kiệt”. Xưa cũng vậy, mà nay cũng vậy.

(Còn tiếp…)

Lê Hồng Sơn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *