Tết quê

Loading

1. “Về quê mùng mấy?”. Câu hỏi vẫn thường nghe sau những ngày nghỉ tết, nhất là những gia đình trẻ “ngụ cư” nơi thành phố. Đến nỗi, nếu chịu khó quan sát, những ngày đầu năm ở nhưng nơi như Tam Kỳ thường vắng hoe, cổng ngõ khóa kín. Kỳ thực, ngay cả những người Quảng xa quê, vẫn đau đáu một niềm quy cố hương vào dịp đầu xuân thăm viếng họ hàng, hương khói ông bà.

Có nhiều người, tết sum họp ở quê nhà đã thành thói quen khó cưỡng lại. Bởi nơi ấy có bàn thờ tổ tiên, có phần mộ người thân, có làng mạc, có một phần ký ức đằm sâu… Tết năm nay lên nghĩa trang gia tộc thăm mộ, thấy nhiều bạn trẻ tay cầm bó hương nghi ngút khói lần tìm nơi yên nghỉ của người thân trong rất nhiều nấm mộ mới mọc lên mà lòng tự dưng ấm cúng.

Tết quê, như một lời mời gọi sâu xa, nếu ai không kịp trở về sẽ thấy lòng trở nên trống rỗng…

2. “Bao giờ đi lại?”. Một câu hỏi khác dành cho những ai đang lao động, học tập xứ người, nhất là ở miền Nam. Từ ngày thi sĩ Nguyễn Bính viết Hành phương Nam với những câu thơ xuất thần “Quê nhà xa lắc xa lơ đó/ Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay”, dường như năm nào báo chí cũng mượn tựa đề ấy để phản ánh một câu chuyện… ngoài văn chương: lao động ly hương. Năm nào, dọc đường thiên lý Bắc Nam, cảnh tàu xe lại chộn rộn sau tết, dấy lên bao nỗi lo (về an toàn) lẫn thương cảm (tha phương cầu thực).

Năm nay, lại tàu xe chộn rộn, lẽ dĩ nhiên. Tuy nhiên, phải đến hôm qua (mùng 8 tháng giêng), khách đường bộ mới tăng đột biến, còn phương tiện vận chuyển bằng đường sắt thì vẫn khan hiếm vé như lệ thường. Có điều, dù lượng khách “hành phương Nam” có tăng đến nỗi hôm qua phải điều thêm 7 chuyến xe mới vận chuyển hết 300 lượt khách phát sinh, nhưng như tính toán của ông Nguyễn Ngọc Châu – Giám đốc Ban quản lý bến xe Quảng Nam, xem ra lượng người vào Nam vẫn không nhiều như dự tính. Đấy thực sự là một sự thay đổi, bắt đầu từ khả năng thu hút ngược lao động từ các khu, cụm công nghiệp xứ Quảng. Thu nhập tại các doanh nghiệp phía Nam chỉ dao động mức 2,2 – 2,5 triệu đồng/tháng sẽ không đủ sức “níu chân” người lao động, và họ chọn giải pháp ở lại với một tay nghề đã vững.

Đầu năm nay, các doanh nghiệp phía Nam lại phàn nàn vì thiếu đến 30% lao động (về quê nhưng không trở lại). Trong khi đó, nhu cầu việc làm của người lao động trên địa bàn Quảng Nam tăng thêm trong năm 2010 vừa được ngành chức năng đưa ra con số dự báo khoảng 10.000 người. Vậy là trong dòng người lũ lượt vào Nam học tập, lao động… sau tết năm nay, đã “rơi rớt” khá nhiều người ở lại và tràn trề hy vọng ly nông bất ly hương.

3. “Dẫu đi – về đã thành quen nhưng lúc rời xa vẫn không dám ôm ba, không nỡ nhìn má, đi mà phía trước cứ nhạt nhòa”. Hôm qua, đọc những dòng này trên mạng của một bạn trẻ mà giật mình. Bạn ấy còn viết thêm rằng, “Nhìn má lui cui dọn hành trang cho con mà lòng quặn thắt. Lại xa ba má một năm dài! Những lúc trái gió, trở trời, nhức đầu, sổ mũi… chỉ có ba má nương nhau, hai chiếc bóng giờ như hai dấu hỏi, hỏi những đứa con lưu lạc tha phương tìm kiếm gì ở miền đất khách?”.

Không phải cứ ở lại thì tốt hơn ra đi. Nhưng cuộc ra đi nào cũng sẽ tạo ra khoảng cách. Nên tết cổ truyền dân tộc mãi mãi là cuộc quay về…

HỨA XUYÊN HUỲNH
Nguồn: Quảng Nam Online

Lê Hồng Sơn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *