Quảng Nam và cội nguồn của dòng họ Nguyễn Chánh
Tôi có đến gặp một hậu duệ, đời thứ 12 của dòng họ Nguyễn Chánh – Tại Thôn La Thọ, xã Điện Hòa, Điện Bàn, Quảng Nam mới biết họ này nguồn gốc là họ Mạc.
Các bậc tiền nhân từ thuở khai hoang lập nghiệp để lại cho đến nay đã 400 năm: với câu truyền “La Sơn kiến địa, Thọ Thuỷ Long Thành”
.
Tôi có gặp cụ tộc trưởng – vị cao niên nhất dòng họ hiện nay đã 94 tuổi . Tai tuy có nghễnh ngãng nhưng đầu óc lại minh mẫn và ông cụ có biết về chữ Hán. Không ngần ngại ông đã cho tôi xem toàn bộ tông đồ của dòng họ và cuối cùng ông đã khóc thật sự : “Đời tôi đã hơn 90 năm, hôm nay mới có người hỏi về tộc họ, tôi có nhắm mắt tôi cũng yên lòng”. Cụ nói về cội nguồn tộc Nguyễn Chánh. Là một trong bảy ông dẫn đầu một đoàn đi tiên phong mở cỏi phương Nam, khai hoang lập nghiệp, trên vùng đất hoang sơ… mà về sau, đã trở thành bảy ông Thủy Tổ: gọi là “ thất tộc tiền hiền” của làng La Thọ ngày nay.
Vậy Thuỷ Tổ của dòng tộc là ai? và từ đâu đến chúng tôi không ai trả lời được mà chỉ chỉ nghe nói chung chung là từ phía Bắc vào Nam sinh cơ lập nghiệp.
Tôi còn nhớ có truyền câu: “Nguyễn Tự Sơ, cơ bằng cát Tánh. Công vì lương sách hậu truyền gia, Bắc Thành là Trấn Thanh Hoa…”
.
Qua hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, quê hương tôi chìm trong máu lửa. Bao nhiêu di tích, tư liệu lịch sử quý giá của tổ tiên, của tiền nhân ông cha để lại cũng bị tàn phá và thiu trụi bởi ngọn lửa chiến tranh, con cháu dòng họ cũng ly tán khắp nơi, kẻ tha hương, người ra chiến trường… ngót 30 năm chinh chiến.
Đến ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng con cháu, họ hàng mới có dịp lần lượt về đoàn tụ, sum họp lại tại nơi quê cha đất tổ và cùng nhau chung sức chung lòng, góp công, góp sức xây dựng lại nhà thờ, trên mảnh đất hoang tàn để phụng thờ tổ tiên dòng tộc.
Được đọc lịch sử địa và địa danh làng La Thọ do các vị bô lão cao niên dịch thuật và qua tìm hiểu, một số tư liệu lịch sử, sách báo… và gần đây nhất cuối năm 2009, lần đầu tiên ban liên lạc Họ Mạc và gốc Mạc với chủ đề: “Bốn trăm năm gặp lại…”. Tự nhiên tôi cảm thấy thở phào nhẹ nhỏm. Đây rồi! những câu hỏi thắc mắc trong lòng đã mang theo từ thuở ấu thơ, đã được hé mở.
Với tư cách là con cháu hậu duệ, đời thứ 12 của dòng tộc Nguyễn Chánh, làng La Thọ. Tôi xin cung cấp một số tư liệu, qua nghiên cứu, tìm hiểu và thu nhận của mình, để các vị trong Ban liên lạc Họ Mạc và gốc Mạc, có tư liệu tham khảo, kết nối… Tôi xin tóm tắt sơ lược những nét chính như sau:
Vào khoảng năm 1560. Dưới thời hậu Lê (Lê Anh Tôn) Trịnh – Nguyễn phân tranh. Chúa Trịnh Kiểm muốn chuyên quyền, nên luôn hiềm khích và tìm mọi cách để triệt hại Chúa Nguyễn Hoàng.
Biết được âm mưu đó Chúa Nguyễn Hoàng tìm cách đi xa Thăng Long để tìm kế sách đối phó lâu dài…
Nguyễn Hoàng bèn xin ý kiến Trạng Trình (Nguyễn Bỉnh Khiêm) Trạng viết: “Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân…”
.
Thế là Nguyễn Hoàng quyết định dẫn bộ hạ thân tín mở cõi vào Nam (từ đèo ngang trở vào) để lập thành một vùng căn cứ…
Sau đó có nhiều đoàn đi về phương Nam để mở cỏi khai hoang lập ấp, tính kế lâu dài…
Có một đoàn gồm 7 vị tiên phong dẫn đầu có các ông: Nguyễn Văn Huân, Thái Bá Lâm, Lê Trọng Hổ, Dương Đức Thoại, Mạc Huấn, Nguyên Vĩnh và Nguyễn Đăng. Do ông Huân là bộ hạ nòng cốt của chúa Nguyễn dẫn đầu (sau này ông Huân được nhà Nguyễn phong chức là Đại Lang khuyến nông hầu).
Bảy ông kết bạn tâm giao ăn thề, coi nhau như anh em ruột thịt: “Có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu…” và bắt tay đi tiên phong mở cõi. Cắm mốc, khai hoang.
Cuộc hành trình căm mốc, khai hoang của các ông trải qua không biết bao nhiêu gian lao vất vả không sao kể xiết, với bao nhiêu hùm beo, thứ dữ, cá sấu… mà nhất là bệnh tật phải vượt qua, nơi vùng đất núi rừng hoang sơ, chưa có dấu chân người.
Đoàn đã xác định được địa điểm và nhanh chóng phát hoang cắm mốc, tạm thời ổn định cuộc sống.
Việc đầu tiên các ông thống nhất là nhanh chóng thay đổi họ cho ông Mạc Huấn. Vì nhà Trịnh với chiêu bài Phụ Lê Diệt Mạc nên truy bức đến cùng người họ Mạc để trừ khử (tru di Tam tộc).
Vậy là ông Mạc Huấn đổi thành ông Nguyễn Công Huấn kể từ đây. Về sau 7 ông trong đoàn tiên phong khai hoang, mở cõi lập nghiệp kể trên, trở thành bảy ông thuỷ tổ của dòng họ mình và trở thành thất tộc tiền hiền của làng La Thọ. Chữ La Thọ lấy trong tám chữ “La Sơn kiến địa, Thọ Thuỷ long Thành” của ông Trạng Trình cho trước khi đoàn xuất phát.
Về sau này xây dựng một đình làng La Thọ rất khang trang, có 2 câu liễn thờ, treo giữa đình làng rất nghiêm trang như sau:
“Thất tộc trung hiền, cao phiệt diệt,
Nhất hương lễ giáo, Thọ phong thanh”
Lịch sử làng La Thọ ghi trên, cùng với biến thiên lịch sử của dân tộc qua các triều đại… thì rõ ràng ông Nguyễn Công Huấn, thuỷ tổ họ Nguyễn Chánh ngày nay, chính là ông Mạc Huấn là một trong bảy vị tiền bối của vùng đất La Thọ, Điện Hoà ngày nay.
Họ Nguyễn Công phát triển đến đời thứ Mười không rõ lý do cụ thể vì sao lại đổi thành họ Nguyễn Chánh cho đến nay.
Theo gia phả và tông đồ đang có của dòng họ Nguyễn Chánh cũng ghi “Đức thuỷ tổ ông”: Nguyễn Công Huấn và có bia thờ tại nhà thờ Họ Tộc, cùng các thế hệ tổ tiên, ông bà tiền nhân tiếp theo là trùng khớp.
Như vậy họ Nguyễn Chánh, làng La Thọ Điện Hoà, gốc họ Mạc là chính xác.
Dòng họ Nguyễn Chánh làng La Thọ, đến nay đã phát triển qua 15 đời, con cháu, hậu duệ có trên 500 người có nhà thờ họ tộc và nhà thờ nhánh, tọa lạc ngay trên mảnh đất tổ tiên, ông bà tiền nhân để lại, từ khi bắt đầu mở cỏi, lập nghiệp cho đến ngày nay.
Từ đời thứ nhất đến thứ 5, nói chung là phát triển chậm. Không có tư liệu để lại, chỉ có số liệu truy lục của tiền nhân đời sau, không đầy đủ.
Từ đời thứ sáu trở đi bắt đầu phát triển con cháu đông đúc nên họ chia làm 3 nhánh
Đời thứ 8 có ông: Nguyễn Công Thiệm, ra làm quan dưới triều Nguyễn, được phong đến chức: “Thiệm sự lang quân, quận Công Hầu”. Có 2 bà được tiến cung làm vợ vua Tự Đức. Có sắc phong của vua ban, hòm đỏ chữ vàng, để ở nhà thờ nhánh 3 rất trang trọng. Nhưng rất tiếc bị thiêu rụi sạch vì khói lửa chiến tranh.
– Qua 2 cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, nhiều con cháu Nguyễn Chánh tham gia kháng chiến, nhiều liệt sĩ hy sinh, nhiều gia đình có công với cách mạng… Được nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương kháng chiến, huân chương chiến công, huân chương giải phóng… các hạng (chưa thống kê được).
– Từ đời thứ 12 trở đi, con cháu học hành tốt và thành đạt: Các học vị giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, kỷ sư, bác sĩ, có khá nhiều. Nhiều con em trong họ tộc hiện nay đang công tác trong bộ máy nhà nước và các doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài nước. Cuộc sống hoà đồng và có uy tín với cộng đồng dân cư và các họ tộc trong làng xã.
“Cây có cội, nước có nguồn. Nước trong vì nguồn sạch, bóng thẳng bởi cây ngay…”. Con cháu dòng họ Nguyễn Chánh có quyền tự hào và ngẩng cao đầu mà nói rằng : “ Chúng tôi không mang họ nhưng dòng máu họ Mạc bất kỳ nơi đâu, hoàn cảnh nào đều phát huy được truyền thống tổ tiên,Trung quân ái quốc ”
Bao nhiêu thăng trầm của lịch sử dân tộc, biết bao công lao của tổ tiên tiền bối, qua các thời đại, đã dày công vun đắp và nhất là trong công cuộc dựng nước và giữ nước cho đến ngày nay.
Dưới thời đại Hồ Chí Minh, Đảng và nhà nước ta sẽ đánh giá chính xác, khách quan minh bạch đem lại sự công bằng cho dòng họ, để hương linh các bậc tổ tiên ở cõi vĩnh hằng không tủi nhục và tự hào với các lớp con cháu hậu sinh của dòng giống tiên rồng.
[Lê Nguyên Hồng lược ghi]
Nguồn: Mạc Tộc Quảng Nam Đà Nẵng