Điểm sáng trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ Quốc được tổ chức tại hội trường UBND huyện Điện Bàn vừa qua, đại biểu tham dự hội nghị đều chú ý đến báo cáo điển hình về một mô hình hay, hiệu quả và thiết thực đó là mô hình tổ tự quản an ninh trật tự của nhân dân thôn La Thọ 2 xã Điện Hòa.
Điện Hòa là vùng giáp ranh với 10 xã trong đó có 3 xã Hòa Phước, Hòa Châu, Hòa Tiến thuộc huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng), có nhiều trục đường liên thông, lưu lượng người qua lại địa bàn rất khó kiểm soát. Một số băng nhóm ở các địa phương khác đến gây gỗ, đánh nhau với thanh niên địa phương, nạn trộm cắp xảy ra thường xuyên và thôn La Thọ 2 cũng không ngoại lệ. Nổi cộm nhất là tình trạng trộm cắp tài sản nhân dân. Là một thôn phát triển mạnh chăn nuôi gia súc và nuôi cá nên bọn trộm quan sát rất kỹ địa điểm, cách thức chăn nuôi, giờ giấc của từng gia đình để đêm đến ra tay. Chỉ qua một đêm, mấy chục con gà mất sạch và hôm sau lại tiếp diễn. Có gia đình vừa tổ chức đám cưới cho con xong mất hơn cả cây vàng. Người dân trong thôn rất bức xúc, trong tất cả các cuộc họp đều đưa ra với mong muốn chấm dứt tình trạng này. Không thể để tình trạng này mãi, ông Hồ Đắc Tân – trưởng thôn và ông Nguyễn Văn Lung – Bí thư chi bộ đã bàn bạc, đưa ra ý tưởng thành lập tổ tự quản an ninh trật tự với những kế hoạch cụ thể và họp chi bộ thôn xin ý kiến. Tất cả Đảng viên đều thống nhất cao và tổ chức các cuộc họp xin ý kiến của Ban công tác mặt trận, các đoàn thể và nhân dân trong thôn. Điều đáng phấn khởi là 100% cán bộ và nhân dân đồng tình hưởng ứng. Thôn đã đề ra quy chế hoạt động tuân thủ theo Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và quy ước xây dựng đời sống văn hóa của thôn, tổ tự quản chính thức đi vào hoạt động từ ngày 26/6/2011 đến nay.
Có tham gia cùng mới hiểu được nỗi vất vả và sự nhiệt tình của các anh, mỗi ca trực bắt đầu từ 10h đêm và kết thúc lúc 5h sáng. Thôn có 6 tổ, mỗi tổ từ 5 – 6 người, đêm nào cũng có trên 30 người tham gia được trang bị loa cầm tay, đèn pin, gậy, dây đi vòng quanh khu dân cư. Ông Phạm Xuân Bất, Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự Điện Bàn cũng là thành viên trong tổ tự quản cho biết “ Cứ 6 đêm là đến phiên mình, chúng tôi thường men theo bờ ruộng lắm khi lội nước để quan sát, tốp khác vào xóm, trục đường chính, hễ thấy đối tượng nào lạ mặt, khả nghi thì điện thoại cho nhau. Thức trắng đêm tuy có mệt nhưng ai nấy đều phấn chấn, vui vẻ vì đã làm một việc có ích đem lại bình yên cho thôn xóm.” Chúng tôi cũng đã gặp bác sỹ Nguyễn Văn Cư, công tác tại BVĐĐKKV Quảng Nam tham gia cùng tổ tự quản. Không hề có sự phân biệt, trừ những gia đình toàn phụ nữ, còn lại cánh mày râu 18 tuổi trở lên đều tự nguyện đăng ký tham gia. Mặc dù hiểu rất rõ các anh không hề đòi hỏi, rất trách nhiệm với công việc mới mẻ này nhưng sao tôi vẫn thấy ái ngại khi chứng kiến các anh mang theo một chai nhỏ cà phê pha sẵn, một gói thuốc prince chia nhau trong một đêm mưa rả rích. Cảm động và khâm phục, những người dân trong thôn đã bày tỏ tình cảm của mình bằng cách đóng góp từ 20.000 đ đến 50.000 đồng/gia đình/tháng để các anh mua mì ăn liền lót dạ. Thỉnh thoảng cũng có người biếu một con gà hoặc vịt, tổ cử một thành viên nấu cháo để sáng ra các anh ăn vội trước khi bước vào ngày làm việc mới. Riêng việc nạp tài khoản vào điện thoại di động để tiện liên lạc cho các thành viên trong tổ, các anh đều bỏ tiền túi một cách vô tư. Mặc dù “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhưng ai nấy đều phấn khởi vì thấy trách nhiệm của mình thật lớn lao, nếu mình vì mọi người thì mọi người sẽ vì mình. Từ khi tham gia tổ tự quản, mỗi thành viên đều ý thức sống tốt hơn, có như vậy mình mới cảm hóa, giáo dục những người chưa tốt.
Có ý tưởng, xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động, hai ông Nguyễn Văn Lung, Bí thư chi bộ và Hồ Đắc Tân, trưởng thôn trăn trở rất nhiều, làm sao để tổ hoạt động hiệu quả, duy trì lâu dài, đem lại niềm tin cho nhân dân. Hằng đêm, hai ông đều kiểm tra hoạt động của tổ để điều chỉnh và cũng tham gia cùng mọi người mỗi khi đến phiên của mình. Từ ngày 26/6/2011 đến nay, tình hình an ninh trật tự ở thôn La Thọ 2 chuyển biến thấy rõ. Tổ tự quản đã bắt được một kẻ trộm giữa ban ngày lúc đang cạy cửa một nhà trọ để trộm cắp giao công an xã xử lý. Tình hình trộm cắp vắng hẳn, không còn tình trạng đánh nhau, gây rối, chạy xe máy thả chân chống xẹt lửa dưới đường. Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Giang cho biết ông rất tâm đắc mô hình này nhưng với chế độ bồi dưỡng anh em như vậy sẽ không đảm bảo sức khỏe để hoạt động lâu bền. Xã đã quyết định trích 30% Quỹ An ninh quốc phòng để bồi dưỡng trà nước cho anh em. Ông cũng mong các doanh nghiệp ủng hộ kinh phí tạo điều kiện cho anh em hoạt động.
Hiện nay, các địa phương trong huyện Điện Bàn cũng có nhiều mô hình quần chúng BVANTQ khá hay nhưng thực sự hiệu quả như mô hình tổ tự quản an ninh trật tự ở thôn La Thọ 2 xã Điện Hòa thì rất hiếm. Mong sao thời gian tới mô hình này sẽ được nhân rộng trên địa bàn huyện.
Huyền Chi
Nguồn: www.dienban.gov.vn