Tiếng trống Duy Tân

Loading

Xin giới thiệu bài viết của một người bạn từ thời hoạt động Đoàn đội của huyện Điện Bàn, một Phó tổng biên tập báo Quảng Nam, Nguyễn Hữu Đổng, bút danh Nguyễn Điện Nam được đăng trên Báo Quảng Nam Online hôm qua (05/09/2011) nhân ngày khai giảng năm học mới 2011-2012:

Hôm nay, cùng với cả nước, tiếng trống khai giảng năm học mới lại vang lên trên khắp những ngôi trường trên vùng đất học Quảng Nam.

Đây là năm học mà tiếng trống hiệu lệnh “đổi mới căn bản và toàn diện” như là ước vọng của toàn xã hội đối với giáo dục.

Chợt nhớ, hơn trăm năm trước, tiếng trống Duy tân cũng đã từng thổi bừng ngọn lửa khao khát “đổi mới” ở những ngôi trường do các chí sĩ của phong trào Duy tân khởi xướng. Trong đó, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện, Lê Cơ… là những người Quảng Nam ưu tú thời bấy giờ đã mang một tinh thần thực học làm dậy lên một triết lý giáo dục khá cấp tiến. Cổ xúy cho phong trào, cụ Phan Châu Trinh đã có nhiều trước tác, nhiều bài diễn thuyết về cái học mới. Trên cơ sở phê phán cái học cũ: “Hiềm vì nỗi học hành sai lối/Thóc vứt đi, rơm bổi quơ về”, cụ Phan đã nêu lên nguyện ước: “Ước học hành mở cho xứng đáng/ Đừng vẽ hình vẽ dạng cho qua/ Công thương kỹ nghệ chuyên khoa/ Trí tri cách vật cho ta theo cùng /Cuộc điều dưỡng mở trong dân sự/ Nẻo giao thông tứ xứ sơn lâm/ Làm cho bá tánh yên tâm/ Làm cho kinh tế càng năm càng giàu…”.

Đọc lại những dòng “Tỉnh quốc hồn ca” như thế của cụ Phan Châu Trinh, ta có thể hình dung lại cả suốt quá trình thai nghén và thực hiện khát vọng canh tân giáo dục. Lạ thay, tư tưởng lớn vượt thời đại của Phan Châu Trinh phải trải qua bao cản trở mới tựu thành những chuyển động trong giáo dục. Và, cả thế kỷ đã trôi qua, giờ đây chúng ta lại “đổi mới”, liệu có vượt qua những gì mà cụ Phan đã cổ xúy cho chuyện thực học?

Rõ ràng, tiếng trống “đổi mới” cần phải làm rõ những nội dung, thúc đẩy với những chương trình giáo dục hữu ích nhắm đến xây dựng một xã hội văn minh, dân chủ, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài. Nếu không làm được thế thì cũng là chuyện “đánh trống bỏ dùi”, là cũng “vẽ hình vẽ dạng cho qua”, giáo dục sẽ bế tắc và vị thế tụt hậu của đất nước, quê hương sẽ là câu chuyện dài.

Ngày hôm nay, bước chân trên những nẻo đường, nơi đã từng nâng niu bàn chân các bậc hiền tài như Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng,… những người thầy và học trò xứ Quảng hẳn mang nhiều tâm tư. Cái học mỗi thời mỗi khác, không phải thời mới bập bõm quốc ngữ, đổi mới như thời các cụ ngày trước, cũng không còn cảnh bom rơi đạn lạc, vậy sẽ đi về đâu với biển bờ sự học? “Suốt ba tháng liền/ trống nằm ngẫm nghĩ”, rồi một mùa nghỉ hè đã đi qua, giờ đây trong nắng thu bừng lên kỳ khai giảng năm học mới, tiếng trống sẽ tiếp tục vang động bao thao thức trên trang giáo án người thầy và sách vở học trò.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

Lê Hồng Sơn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *