Vùng đất và con người Điện Bàn (Bài 9)

Loading

III. Thành tựu kinh tế – văn hóa – xã hội của huyện Điện Bàn sau 37 năm giải phóng (1975-2012) và mục tiêu tổng quát đến năm 2015:

1.Thành tựu kinh tế – văn hóa – xã hội:

a.Kinh tế:

Sau ngày giải phóng, năm 1975, Điện Bàn đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách. Nhân dân từ các nơi trở về với hai bàn tay trắng. Ruộng đồng chằng chịt lau lách, bom mìn. Nhà cửa tan hoang, cây cối, cỏ dại um tùm…

Với tinh thần đoàn kết, cần cù, vượt qua bao gian khó, Đảng bộ và nhân dân Điện Bàn đã đồng tâm hiệp lực, xây dựng Điện Bàn từng bước phát triển.

Đến nay, diện mạo nông thôn của Điện Bàn đã thay đổi một cách rõ rệt. Toàn huyện có 01 Khu CN với hơn 50 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động và hơn 10 cụm CN do huyện quản lý. Hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư, đường làng, ngõ xóm, cầu, cống được bê tông và nhựa hoá.Trường học, trạm xá được tầng hoá khang trang, sạch đẹp, đủ sức phục vụ nhu cầu học tập và chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh cho nhân dân. Diện hộ nghèo ngày càng được thu hẹp, số hộ khá và giàu tăng lên đáng kể, nền kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp – thương mại – dịch vụ,… đã tạo ra cho Điện Bàn những thời cơ, vận hội mới để đẩy nhanh quá trình CNH – HĐH, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Nền kinh tế phát triển với tốc độ nhanh (tăng bình quân 20 – 22%/năm) và chuyển dịch theo hướng ngày càng tăng tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp – thương mại, dịch vụ. Giá trị sản xuất toàn nền kinh tế năm 2011 đạt 7.227,4 tỷ đồng, trong đó: CN-TTCN: 4.733,6 tỷ đồng (CN-TTCN địa phương 613,7 tỷ đồng), thương mại dịch vụ: 1.321,85 tỷ đồng, nông – lâm – ngư: 425,46 tỷ đồng. Sản xuất nông nghiệp đi dần vào sản xuất hàng hoá, hiệu quả kinh tế cao; cơ sở hạ tầng nông thôn được tăng cường; các vấn đề xã hội được tập trung chăm lo đúng mức; nguồn thu ngân sách tăng trưởng khá; giữ vững an ninh chính trị, tăng cường khả năng quốc phòng, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Với những kết quả quan trọng đó, năm 2005, huyện Điện bàn đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới. Đặc biệt đến cuối năm 2010, huyện Điện Bàn đã hoàn thành các tiêu chí cơ bản xây dựng huyện công nghiệp theo Nghị quyết lần thứ XX của huyện Đảng bộ đã đề ra.

Khu Công nghiệp Điện Nam Điện Ngọc nằm trên trục đường tỉnh 607 (Đà Nẵng – Hội An), được xây dựng và phát triển trên vùng đất cát khô cằn nắng gió đã góp phần thay đổi đáng kể đời sống nhân dân nơi này. Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc hằng năm tạo ra giá trị sản xuất lớn và giải quyết cho hơn 18 ngàn lao động có việc làm và thu nhập ổn định.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện đã quy hoạch chi tiết 11 cụm công nghiệp – dịch vụ với tổng diện tích trên 331 ha, đầu tư 800 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách hơn 100 tỷ đồng. Đã có 50 doanh nghiệp đăng ký và xúc tiến đầu tư với tổng mức vốn đầu tư 700 tỷ đồng, trong đó có 30 doanh nghiệp đi vào sản xuất, giải quyết việc làm cho hơn 3 ngàn lao động.

Hoạt động sản xuất ngoài khu công nghiệp và cụm công nghiệp cũng phát triển khá tốt ở các địa phương. Trên địa bàn huyện có 40 doanh nghiệp và hơn 1500 cơ sở công nghiệp với tổng vốn đầu tư trên 200 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động và trên 10 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, thu hút hơn 500 lao động tại chỗ, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, một số sản phẩm tạo được thương hiệu trên toàn quốc như làng đúc đồng Phước Kiều, các sản phẩm gốm của Lê Đức Hạ, chạm khắc gỗ Nguyễn Văn Tiếp, Âu Lạc, mây tre Phong Thử, Phú Bông, nước mắm Hà Quảng…

(Còn tiếp…)

Lê Hồng Sơn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *