Vùng đất và con người Điện Bàn (Bài 5)
2. Truyền thống đấu tranh giữ nước và cách mạng
Tháng 9-1858, liên quân Pháp-Tây Ban Nha tấn công vào Đà Nẵng mở đầu việc xâm lược nước ta. Sát cánh với quân dân ta ở Đà Nẵng và Quảng Nam, nhân dân Điện Bàn dùng sọt tre chứa đất, đá lấp các đoạn hiểm yếu của dòng sông Vĩnh Điện chảy ra Cửa Hàn để ngăn tàu chiến của quân Pháp.
Đầu năm 1882, khi quân Pháp tiến công Hà Nội, Hoàng Diệu – người con Điện Bàn, được triều đình giao nhiệm vụ bảo vệ thành Hà Nội đã thể hiện đầy đủ ý thức tận trung với nước dù cuối cùng phải hy sinh. Từ sau năm 1885, dưới ngọn cờ Cần Vương của Nguyễn Duy Hiệu, nhân dân Điện Bàn hăng hái tham gia phong trào Nghĩa Hội. Nhiều trận đánh lớn chống lại quân đội của chính quyền thực dân và tay sai đã diễn ra trên đất Điện Bàn: La Qua, Phong Thử, Cẩm Sa, Ngân Câu, Viêm Minh, Ngân Hà…, gây cho địch nhiều thiệt hại.
Khi phong trào Nghĩa Hội bị thất thế, thực dân Pháp và bọn tay sai đã tìm cách đàn áp những người tham gia Nghĩa Hội. Chúng đã bắt nhà nho Lê Tấn Toán ở Hà Lộc (Điện Dương) là thầy dạy học của Nguyễn Duy Hiệu trước đây. Nhà khoa bảng Lê Tấn Toán đã uống thuốc độc mà chết, giữ tròn khí tiết trước kẻ thù và bọn quan lại bán nước. (20-17).
Trần Quý Cáp là một trong số những chiến sĩ hàng đầu của phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX cùng với các chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng. Phong trào chủ trương “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” đã diễn ra sôi nổi, có sự tham gia của Phan Thúc Duyện (Phong Thử), Phan Thành Tài (Bảo An), Mai Dị (Nông Sơn), Trương Trọng Hữu (Châu Lâu), Tú Ý (La Thọ), Tú Vân (Bích Trâm). Phong trào được nhân dân cả huyện nhiệt liệt hưởng ứng, cùng nhau lập hội buôn, tổ chức nông hội, lập trường học để cổ vũ tinh thần yêu nước cho mọi người.
Các trường dạy chữ Quốc ngữ, chữ Pháp được mở ra tại nhiều làng trong huyện, dạy các môn học mới như địa lý, lịch sử, toán, khoa học, thể dục. Ngoài trường Diên Phong (Phong Thử), còn có trường Bảo An, trường Phú Đông, trường Lạc Thành. Các trường theo khuynh hướng Duy Tân đề cao thực học, chống lối học vẹt, học sáo, chống lối học để thi đậu cốt ra làm quan. Nhà trường tổ chức cho học sinh sinh hoạt ngoại khóa, du ngoạn, quan tâm đến thực trạng xã hội. Các sĩ phu của phong trào Duy Tân kêu gọi mọi người sống theo lối mới, cắt tóc ngắn, mặc đồ âu phục, dùng đồ nội hóa, bài trừ mê tín dị đoan, (20-28). Tại làng Bích Trâm, những người theo khuynh hướng Duy Tân đã đả phá một đám cúng kéo dài 2-3 ngày đêm có thầy phù thủy khua trống, gõ mõ, bày trò mê tín. Họ bắt chủ nhà phải dẹp bàn cúng, bắt thầy phù thủy phải ngưng trò phù phiếm.
Năm 1907 ở Đông Bàn tại lễ tế xuân hằng năm ở Văn Miếu, những người theo khuynh hướng Duy Tân ăn mặc Âu phục đến dự lễ, chỉ khấn vái chứ không quỳ lạy trước đền thờ. Họ cổ động mọi người nên tổ chức lễ tế đơn giản, dành tiền mở trường học, thư viện và được mọi người hưởng ứng.
Trong phong trào chống thuế năm 1908, Điện Bàn là một trong số các huyện có nhiều sự kiện sôi nổi.
Ngày 22-3-1908, 8000 nông dân đã vây phủ đường Điện Bàn, bắt tri phủ Trần Văn Thống bỏ lên xe kéo, buộc viên quan này đi cùng với dân chúng xuống tòa công sứ Pháp tại Hội An để xin giảm sưu cao thuế nặng cho dân. Khi đến Thanh Hà, đoàn biểu tình bị tên mật thám Pháp Sônhi chỉ huy 30 lính tập đàn áp, bắn chết một người và làm 3 người khác bị ngã sông chết đuối.
Ngày 30-3-1908, tại tỉnh thành La Qua, quần chúng vây, hỏi tội thống đốc Hồ Đắc Trung về nạn sưu cao thuế nặng và đòi ông ta phải đồng tình với các yêu sách giảm sưu, giảm thuế của quần chúng. Viên quan này thoái thác, bị dân sỉ nhục, phải tìm cách trốn.
Lợi dụng việc đàn áp phong trào chống thuế, chính quyền thực dân đàn áp cả phong trào Duy Tân và chúng đã sát hại nhà yêu nước Trần Quý Cáp vào ngày 15-6-1908 khi ông đang làm giáo thọ tại Khánh Hòa.
Trong cuộc vận động khởi nghĩa năm 1916 có nhà vua yêu nước Duy Tân tham gia, người Điện Bàn đã tham gia tích cực.
Đầu năm 1916, Trần Cao Vân cùng với Thái Phiên bí mật gặp gỡ vua Duy Tân và vận động nhà vua tham gia khởi nghĩa. Việc bị lộ, cuộc khởi nghĩa bị đàn áp dã man. Trần Cao Vân bị thực dân Pháp xử chém tại An Hòa (Huế). Phan Thành Tài – người cùng mưu sự với Trần Cao Vân bị chém ở Vĩnh Điện, Mai Dị bị thực dân Pháp cầm tù.
(Còn tiếp…)