Vùng đất và con người Điện Bàn (Bài 4)
“Văn từ phủ” toạ lạc tại làng Đông Bàn (xã Điện Trung) là một biểu tượng đẹp của đất học Diên Phước. Văn từ phủ hiện nay không còn nữa, chỉ còn lại mấy đống gạch vụn nhưng nhờ ba tấm bia còn lưu giữ được tại sân Bảo tàng Điện Bàn nên chúng ta có thể hiểu được phần nào ý nghĩa và mục đích của việc xây dựng Văn từ Phủ (1)
Căn cứ vào tấm bia nói trên có thể biết Văn từ Phủ được xây dựng vào năm 1873.
Tấm bia thứ nhất được dựng vào ngày 25 tháng giêng năm Tự Đức thứ 26 (1873), sau ngày dựng Văn Từ Phủ 20 ngày. Nội dung văn bia cho biết có một viên quan của triều đình gốc Quảng Trị trấn nhiệm ở đất Diên Phước là Nguyễn Văn Hiến nhận thấy Diên Phước là đất học, có nhiều người hiền tài nên đã phát động việc xây dựng và dựng văn bia Văn Từ Phủ trên đất Điện Bàn. Lời phát động có câu: “Đây là một sự thịnh vượng của huyện ta, quý vị quân tử phải đi hàng đầu, chịu hao tốn lương bổng mà làm cho nên việc”.
Đất Diên Phước là Đất học nhưng đây là cũng “Đất thực học”. Những nhà khoa bảng được sinh thành từ mảnh đất này đều là những người thực sự ham học, lao động bền bĩ, học tập bền bĩ. Họ làm đẹp cho quê hương và cho mỗi cuộc đời không chỉ bởi mảnh bằng mà còn bởi sự cống hiến lớn lao cho dân tộc, như nhà canh tân Phạm Phú Thứ, như chí sĩ yêu nước Hoàng Diệu, như nhà Duy Tân Trần Quý Cáp hoặc như Phan Khôi, Phan Thành Tài, Phan Thanh, Phan Bôi, Lê Đình Thám, Lê Đình Dương…
Thời Hán học, có những nhà nho không làm quan mà về làng mở trường dạy học như ông Lương Văn Nhã, có hàng ngàn môn sinh là con cháu Bảo An và các làng lân cận. (19-88)
Phan Thành Tài giỏi chữ Hán nhưng ông sớm theo tân học. Ông chọn nghề dạy học vì thấy nghề này có thể giúp ông đem sở học của mình để giáo hóa thế hệ trẻ. Phan Thành Tài là người mở lớp dạy tiếng Tây, chữ quốc ngữ sớm nhất vào đầu thế kỷ. Người học trò cao tuổi nhất là Phan Khôi.
Khi thực dân Pháp thống trị Việt Nam, mặc dù chính quyền thực dân thực hiện chính sách ngu dân, nhưng Điện Bàn vẫn nổi tiếng là đất học hành. Trước 1945, riêng huyện Điện Bàn có đến ba trường Tiểu học hoàn chỉnh (Vĩnh Điện, Phong Thử, Bảo An). (2)
Gắn liền với những mái trường ấy là những thầy cô giáo nổi tiếng như thầy Đống Lương, thầy Phạm Phú Hưu, Phạm Phú Thông, Lê Tự Tháo, Lê Trí Viễn, Khương Hữu Dụng, thầy Trương Chi… Học trò của các mái trường nói trên về sau cũng là nhân tài của đất nước như Hoàng Tụy, Hoàng Phê, Phan Thao, Ngô Điền, Lê Đình Kỵ, Đinh Bá Thi. Con gái học giỏi được làng nước quý trọng. Năm 1931 chị Phan Thị Lê đỗ bằng cao đẳng tiểu học được làng đem cờ xí đón rước từ Kỳ Lam về Bảo An, được dân làng bàn tán ngợi ca.
(1) Bản dịch của nhà nghiên cứu Hán Nôm Ngô Văn Lại (Đà Nẵng)
(2) Dưới thời Pháp thuộc, mỗi phủ hay huyện đường thường chỉ có 1 hay 2 trường Tiểu học hoàn chỉnh, có đủ sáu lớp (lớp năm – enfantin; lớp tư – préparatoire; lớp ba – elémentaire; lớp nhì nhất – moyen 1,; lớp nhì nhị – moyen 2; lớp nhất – supérieur)
Hồi tưởng lại mái trường Tiểu học của quê hương trên đất Điện Bàn, giáo sư Hoàng Tụy viết:
“Chính ở nơi đây tôi đã học một cách nghiêm túc, toàn diện, với những người thầy mà sau này khi chính mình đã ít nhiều từng trải nghề giáo, tôi mới nghiệm ra rằng được học với những người thầy như thế ở trường Bảo An thời đó thật là một diễm phúc. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn chưa hiểu hết vì sao và bằng cách gì, trong hoàn cảnh đất nước còn bị đô hộ và toàn dân còn bị dìm trong nghèo đói và dốt nát mà các thầy ở một trường nông thôn như Bảo An đã có thể truyền được cho học trò mình lúc đó niềm khát vọng ánh sáng khoa học chân chính và nhen nhóm trong tuổi thơ của họ những ước mơ sau này biến thành những hoài bão lớn, những lý tưởng lớn chi phối cuộc đời của nhiều người”. (19-91).
Nói đến truyền thống học hành của người Điện Bàn không thể không nói ý thức tự học, tinh thần tự học. Ý thức tự học song hành với ý thức lao động, khai phá, mở mang và phát triển.
Ý thức tự học cũng song hành với ý thức coi trọng đạo nghĩa trong mối quan hệ thầy-trò, như mối quan hệ giữa Phạm Như Xương và Ngô Lý. Khi đã đỗ đạt cao, Ngô Lý nghĩ ngay đến việc tạ ơn thầy, còn thầy Phạm Như Xương thì lại khuyên trò hãy nhanh về thăm mẹ.
Nếu không có ý thức về tinh thần tự học, Điện Bàn không thể nào có nhiều người đỗ cao, học giỏi và đóng góp được nhiều trong mỗi cuộc đời. Biết bao nhiêu gương sáng về tự học trên đất Điện Bàn.
Trần Quý Cáp rất giỏi Nho học nhưng nhờ tự học mà có thể nhanh chóng tiếp thu tân học để trở thành nhà Duy Tân đáng kính.
Phan Khôi rất giỏi chữ Nho nhưng nhờ tự học nên giỏi cả tiếng Pháp và trở thành nhà báo lớn của đất nước.
Nhờ có tinh thần tự học mà Lê Trí Viễn, Hoàng Tụy cùng một số người khác có thể trở thành những nhà giáo bậc thầy và những nhà khoa học lớn của đất nước.
Ý thức tự học, tinh thần tự học với một động cơ trong sáng đã trở thành truyền thống đẹp đẽ của quê hương Điện Bàn.
(Còn tiếp…)