Vùng đất và con người Điện Bàn (Bài 1)

Loading

Đây là bài viết khá dài và đầy đủ về quê hương Điện Bàn của Lương Mỹ Lịnh (phòng VHTT Điện Bàn) – một người bạn của tôi – để mọi người hiểu biết thêm về Điện Bàn và là hành trang kiến thức cho những ai tham gia cuộc thi “Sáng tác biểu trưng (logo) huyện Điện Bàn”.

Bắt đầu từ hôm nay, tôi sẽ lần lượt giới thiệu bài viết này theo nhiều phần liên tục. Mời mọi người cùng đọc để hiểu rõ hơn về quê hương Điện Bàn thân yêu mà trong đó có làng La Thọ của chúng ta.

Điện Bàn hiện nay có diện tích tự nhiên 214,28km2, với gần hai trăm ngàn dân số, là một huyện đồng bằng ven biển thuộc tỉnh Quảng Nam, trải dài từ 15o50’ đến 15o57’ vĩ bắc và từ 108o đến 108o20’ kinh độ đông, cách thành phố Tam Kỳ 48 km về phía Nam, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 25km về phía Bắc, phía bắc giáp với thành phố Đà Nẵng, phía Nam giáp với huyện Duy Xuyên, phía Đông Nam giáp với thành phố cổ Hội An, phía Đông giáp với biển Đông và phía Tây giáp với huyện Đại Lộc.

I. Mấy nét về địa lý hành chính qua các giai đoạn lịch sử

Theo “Đại nam Nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn, vùng đất Điện Bàn xưa thuộc đất Việt Thường Thị của các vua Hùng.

Nhưng kể từ khi phong kiến Trung Hoa xâm lược và thống trị nước ta, vùng đất Điện Bàn (Quảng Nam) cũng chịu chung số phận bị phong kiến Trung Hoa đô hộ.

Năm 111 trước Công Nguyên, khi thay thế nhà Triệu để thống trị nước ta, ngoài hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân, chính quyền nhà Hán còn lập thêm quận Nhật Nam (miền đất từ Hoành Sơn đến Quảng Nam ngày nay)

Cho đến năm 192 (đời vua Hiếu Đế nhà Đông Hán) cùng với nhân dân Nhật Nam, nhân dân Tượng Lâm do Khu Liên đứng đầu đã nổi dậy giết huyện lệnh, giành quyền tự chủ. Một quốc gia mới được lập nên ở vùng đất hai bên đèo Hải Vân. Sử Trung Hoa gọi nước mới lập nên này là Lâm Ấp. Huyện Tượng Lâm (bao gồm phần đất Điện Bàn – Quảng Nam ngày nay) là bộ phận lãnh thổ thuộc quốc gia Lâm ấp. Sau nhiều thế kỷ tồn tại trong sự xung đột liên miên với lực lượng phong kiến ở phía Bắc, cuối cùng nước Lâm Ấp đã hợp nhất với quốc gia người Chăm ở phía Nam, hình thành nên một quốc gia thống nhất với tên nước là Chiêm Thành. Từ đó vùng Điện Bàn – Quảng Nam trước kia trở thành bộ phận lãnh thổ của nước Chiêm Thành. Người Chăm gọi vùng đất Điện Bàn – Quảng Nam ngày nay trong lãnh thổ quốc gia Chiêm Thành trước kia là Amaravati.

Năm 1306, từ Thăng Long, Huyền Trân ra đi làm vợ Chế Mân và cũng từ đấy, mảnh đất Điện Bàn ngày nay gia nhập vào bản đồ của lãnh thổ Đại Việt.

Trên vùng đất mới gia nhập vào Đại Việt từ Quảng Trị đến bờ Bắc sông Thu Bồn nhà Trần lập thành hai châu mới: Châu Thuận và Châu Hóa. Châu Hóa bao gồm đất Thừa Thiên, Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam ngày nay. Điện Bàn thuộc về châu Hóa của Đại Việt kể từ đời Trần.

Với việc thành lập dinh trấn Thanh Chiêm, vị thế của mảnh đất Điện Bàn đã được nâng cao trong quá trình lịch sử mở nước của dân tộc .

Vào năm 1604, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã thăng huyện Điện Bàn vốn thuộc phủ Triệu Phong, Thuận Hóa thành phủ Điện Bàn, thuộc về dinh Quảng Nam. Phủ Điện Bàn mới- quản lãnh năm huyện là Tân Phước, An Nông, Hòa Vinh, Diên Khánh, Phước Châu (Diên Khánh chính là Điện Bàn hiện tại). Dinh Quảng Nam thời các chúa Nguyễn bao gồm 4 phủ: Điện Bàn, Thăng Hoa (phần đất Quảng Nam ngày nay), Tư Nghĩa (phần đất Quảng Ngãi hiện nay) Hoài Nhơn (phần đất Bình Định ngày nay). Vì vậy dinh trấn Thanh Chiêm của Quảng Nam là thủ phủ của cả bốn phủ nói trên.

Đến đầu thế kỷ XIX, sau khi đánh bại được Tây Sơn, năm 1803, vua GIA LONG lập dinh mới Quảng Nam chỉ gồm hai phủ là Điện Bàn và Thăng Hoa. Phủ Điện Bàn bao gồm hai huyện là Hòa Vang và Diên Khánh. Điện Bàn ngày nay chính là huyện Diên Khánh. Huyện Diên Khánh lúc bấy giờ gồm 7 tổng, 1 thuộc với 221 làng. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đổi huyện Diên Khánh thành huyện Diên Phước.

Năm 1805 vua GIA LONG lại đổi dinh Quảng Nam thành trực lệ Quảng Nam (lệ thuộc kinh sư). Đến năm 1827 vua Minh Mạng đổi trực lệ Quảng Nam thành trấn Quảng Nam, rồi đến năm 1832, cũng chính Minh Mạng lại đổi trấn Quảng Nam thành tỉnh Quảng Nam. Và suốt thời gian dưới triều Nguyễn, Điện Bàn là bộ phận lãnh thổ không tách rời của Quảng Nam. Năm 1834, tỉnh đường Quảng Nam được xây dựng tại làng La Qua (Vĩnh Điện hiện nay).

Từ cuối thế kỷ XIX phủ Điện Bàn (không còn gọi là huyện) mà gọi là phủ, là một đơn vị hành chánh của tỉnh Quảng Nam gồm 9 tổng với 168 xã và 14 292 suất đinh, (thời gian 1920).

Phủ Điện Bàn lúc này chính là huyện Điện Bàn ngày nay và bao gồm cả Duy Xuyên và Đại Lộc. Sang đầu thế kỷ XX, Duy Xuyên và Đại Lộc tách ra thành đơn vị hành chánh riêng. Khoảng năm 1920, tỉnh Quảng Nam bao gồm 7 đơn vị hành chánh: ba phủ (Điện Bàn, Thăng Bình, Tam Kỳ) và bốn huyện (Duy Xuyên, Đại Lộc, Quế Sơn, Hòa Vang). Dù huyện hay phủ thì cũng đều thuộc tỉnh, chỉ có điều đơn vị lớn thì gọi là phủ, còn đơn vị nhỏ thì gọi là huyện) (5-5).

Từ 1945 đến 1954, huyện Điện Bàn là đơn vị hành chính khi thì thuộc Quảng Nam, khi thì thuộc Liên tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.

Vào giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ ngày 31-7-1962, chính quyền ngụy Sài Gòn chia Quảng Nam thành hai tỉnh: Quảng Nam và Quảng Tín. Điện Bàn là đơn vị hành chính của tỉnh Quảng Nam, (Quận Điện Bàn) (5-5). Còn với chính quyền cách mạng thì Điện Bàn có thời gian thuộc tỉnh Quảng Đà.

Sau khi Miền Nam hoàn toàn được giải phóng, (30 – 4 – 1975) Quảng Nam được gọi là tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng gồm thành phố Đà Nẵng, thị xã Tam Kỳ, thị xã Hội An và 14 huyện. Điện Bàn là một trong 14 huyện của Quảng Nam. Từ ngày 1- 1- 1997 khi Đà Nẵng tách khỏi Quảng Nam, Điện Bàn là một huyện của tỉnh Quảng Nam.

Hiện nay, Điện Bàn có 19 xã và 1 thị trấn. Đó là các xã: Điện Quang, Điện Trung,Điện Phong, Điện Phương, Điện Minh, Điện An, Điện Phước, Điện Thọ, Điện Hồng, Điện Tiến, Điện Hòa, Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam, Điện Ngọc, Điện Nam Bắc, Điện Nam Trung, Điện Nam Đông, Điện Dương và thị trấn Vĩnh Điện.

(Còn tiếp…)

Lê Hồng Sơn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *