Tằm tang “quán” phố
Căn nhà cổ số 33 Nguyễn Thái Học (Hội An) đủ đưa người tìm lại dáng xưa tằm tang trên quê lụa Quảng Nam.
BƯỚC chân gõ guốc trên mặt phố và tiếng nói cười người hòa cùng tiếng thoi đưa lách cách tạo âm thanh vui tai vang trong căn nhà cổ trên phố cũ Nguyễn Thái Học. Không gian trước của Bảo tàng văn hóa dân gian Hội An dành riêng cho một góc tằm tang quê cũ. Gái làng lụa hờ hững xe chỉ, luồn kim trên chiếc phản gỗ góc phòng. Xa quay trên vách. Nền gạch bày sản phẩm tơ tằm như ví, túi xách, khăn quàng, cà vạt… cùng các vật dụng trình diễn các công đoạn của nghề dâu tằm. Khách có thể tham dự cùng thợ dệt nên những thước lụa Quảng Nam tại chỗ, được nghe kể về sự tích các làng tằm. Còn muốn trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ thì hãy ghé “làng” ở 28 Nguyễn Tất Thành, phường Tân An.
Chủ nhân của gian hàng “đặc biệt” này là Lê Thái Vũ. Nghiệp dâu tằm đã chảy trong máu chàng sinh viên làng ươm tơ Giao Thủy (Đại Lộc) từ hồi còn là sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Anh vẫn thường nghe các bậc cao niên làng kể về làng lụa cũ với một chút luyến tiếc, xót xa. Thưở ấy, trên con đường làng tới trường giăng kín giàn phơi. Đám trẻ nhỏ thường giắt trên vành nón một con tằm chín, tan học về đã óng ánh một chiếc kén vàng. Rời quê vào Nam, rồi trở lại quê cũ dựng nghiệp, những cuộc kiếm tìm ròng rã đã tìm thấy gốc dâu đen trũi và chiếc lá hình chân chim của “cây dâu xẻ thì” 3 năm trời đã giúp Vũ mở quán ở phố, lập “làng” ven đô. Đêm đêm giữa “làng” ôm đàn hát với bạn bè, người quen, lấy trăng làm nến, lấy lá dâu làm đĩa, mơ ngày dựng lại thời vàng son của “kinh đô” dâu tằm đất Quảng giữa phố.
TÙY PHONG
Nguồn: Báo Quảng Nam Online