Bài chòi, trên hô dưới ủng …

Loading

Trong cuộc sống tất bật thường ngày hôm nay, tưởng rằng những trò chơi, điệu hát dân gian dần dần đi vào quên lãng. Nhưng không, tại xã Tam Thăng (Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), Câu lạc bộ (CLB) bài chòi gồm 12 thành viên đang âm thầm giữ gìn, dưỡng nuôi ngay từ mạch nguồn dân gian này, và phục vụ bà con những ngày lễ tết, hội làng…

Nốt “thăng” ở Tam Thăng

Về Tam Thăng, chiếc nôi cách mạng một thời hào hùng với địa đạo Kỳ Anh nổi tiếng, bây giờ nhà cửa hai bên đường san sát nhau. Hỏi nhà anh Trương Minh Hạnh hay hát bài chòi, bà con ai cũng biết. Anh Hạnh nguyên là Bí thư Đảng ủy xã, từng sâu sát với dân, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của họ… nên chợt nhận ra rằng: trong những ngày lễ tết, hội hè, bà con thấy thiếu thiếu một cái gì đó khi bất chợt bâng quơ nghe một cụ già “tung hứng” hô hát vài câu bài chòi… Anh Hạnh nghĩ, sao không nuôi dưỡng “mảnh đất” bài chòi vốn có của cha ông mình? Nghĩ là làm, anh bắt tay vào vận động những người yêu thích bài chòi, lập ra đội hát bài chòi ban đầu với hơn 12 thành viên. Trong đó, đội nhạc cổ 3 người, 2 người chạy hiệu, 4 – 6 người diễn, cặp đôi nam– nữ là diễn viên hát chính (anh hiệu – chị hiệu), còn lại phụ trách âm thanh, ánh sáng… Hầu hết những người tham gia CLB bài chòi quanh năm bám ruộng, bám vườn sinh kế như các anh chị Vũ Công Minh, Trịnh Hồng Hà, Nguyễn Thị Tài, Châu Thị Tứ… Song, với nỗi đam mê bài chòi và có năng khiếu văn nghệ, họ tranh thủ tập tành, rèn giọng. Được chính quyền địa phương ủng hộ, đồng tình nên những đêm trăng sáng, sân nhà anh Hạnh trở thành nơi họ tụ họp. Các “diễn viên” tập trung học hát bài chòi, “tầm sư học đạo” những điệu hò, lý, vè. Bà con cô bác trong làng cũng vui không kém, nô nức đến nghe những làn điệu quê hương êm đềm lại ngân vang bên lũy tre làng: “Ra về lòng lại dặn lòng/ Chanh chua chớ phụ, ngọt bồng chớ ham” (Con bát bồng), “Ước gì em chửa có chồng/ Anh thưa cha với mẹ mang rượu nồng đón em” (Con bảy thưa)… Ánh mắt anh ánh lên niềm vui khó tả.

Trên hô ...
... dưới ủng

Từ nguồn lực khiêm tốn nhưng niềm đam mê bài chòi vô tận, năm 2004, CLB Bài chòi xã Tam Thăng chính thức được thành lập. Anh Ung Nho Can, người con của quê hương Tam Thăng đang sinh sống tại TPHCM là một trong những người ủng hộ về nhiều mặt cho CLB ra đời và duy trì hoạt động. Hiện CLB đã có 18 thành viên do anh Trương Minh Hạnh làm chủ nhiệm. Mỗi tháng 2 lần, các thành viên của CLB lại tập trung sinh hoạt như tập hát thêm bài, chuẩn bị cho buổi diễn sắp tới… Ngoài số thành viên chính thức, trong những buổi sinh hoạt này, có thêm nhiều người, chủ yếu là người già đăng ký tham gia.

Bài chòi được sử dụng các con bài của bộ bài tới gồm 30 lá. Mỗi lá bài được đặt ra nhiều lời hô bằng thai chòi thường là câu lục bát, hoặc lục bát biến thể để nói về đặc tính của mỗi con bài. Ai cũng hồi hộp mong đến sự may mắn trúng hết các con bài trong thẻ sẽ là người thắng cuộc. Vĩ lẽ đó, chơi dần rồi thành quen.

Bài chòi đứng được

Về xã Tam Thăng bây giờ, hầu như ai cũng thuộc, cũng hát được những câu bài chòi. UBND xã đã hỗ trợ cho CLB một dàn âm thanh. Ngoài những lần họp mặt chính thức, thỉnh thoảng, một số thành viên trong CLB lại kéo đến nhà nhau, cùng so dây, nắn phím, hát những câu hò khoan, điệu lý, bài chòi. Không chỉ hát, nhiều thành viên CLB đã cố gắng sưu tầm những bài hát mới và sáng tác lời mới, nội dung ca ngợi về quê hương Tam Thăng anh hùng trong đấu tranh và xây dựng hôm nay. Đầu năm 2011, tuyển tập những bài hát bài chòi của xã Tam Thăng được biên soạn công phu, đã được in ấn và lưu truyền trong nhân dân toàn xã. Đây là ấn phẩm tinh thần nhằm lưu lại lời ca tiếng hát đằm thắm nghĩa tình của người dân nơi đây.

Hôm nay, về Tam Thăng, ngoài những ngày lễ, Tết cổ truyền dân tộc, các ngày mồng 7 tháng Giêng (ngày hội đua ghe truyền thống) hay ngày mồng 10-3 hằng năm (ngày cúng trọng đình làng Vĩnh Bình)… người xa quê có dịp trở về, lắng nghe trong tiếng trống hội giòn giã, âm thanh những bài hát bài chòi và không khí lễ hội náo nức. Ngần ấy thôi cũng đủ ấm lòng: “Tay em đã trắng lại tròn/ Không cho anh gối sao mòn một bên” (Con gối), hay là “Anh nói anh là học trò/ Sao em lại thấy cỡi bò hôm qua? “ (Con học trò)… Khi được hỏi “cát sê” của những lần diễn, nhiều “diễn viên” cuời giòn tan: “cát xê” lớn nhất là niềm vui của tất cả anh chị em được đứng hô bài chòi, là những niềm vui của những dân làng trong không khí chân tình đoàn kết sau những ngày lao động mệt nhọc, là truyền lại cho con cháu một loại hình dân gian độc đáo mà cha ông đã vun đắp gìn giữ bao đời nay.

Ông Trần Ngọc Duy – Phó phòng VH-TT TP Tam Kỳ nhận xét: Ở Tam Thăng, phong trào hát bài chòi đang phát triển mạnh. Tôi nghĩ hoạt động này cần được hỗ trợ nhiều hơn, để tiếp tục phát triển, nhân rộng tại các phường, xã khác, góp phần giữ cho “mạch nguồn” bài chòi chảy mãi ngay từ cái nôi sinh thành ra nó, đó chính là nhân dân.

Từ chỗ đứng ấy, CLB Bài chòi Tam Thăng đã tạo dựng được “chỗ đứng” trong lòng công chúng yêu bài chòi khắp nơi. Năm 2007, lần đầu tiên tham gia Liên hoan bài chòi do TP Tam Kỳ tổ chức, CLB đoạt giải B. Đó là chưa kể, CLB cũng “đắt sô” khi nhiều trường học, doanh nghiệp, các xã, phường khác mời giao lưu, biểu diễn. Dư âm bài chòi vẫn ngân xa, lưu giữ tình quê xưa đằm thắm trong cuộc sống mới hôm nay…

T.N (Công an Đà Nẵng)

Lê Hồng Sơn