Từ chuyện đi cắm trại

Loading

Đi cắm trại có lẽ là hoạt động vui thú của tuổi học trò. Chẳng thế mà trong dịp kỷ niệm ngày giải phóng quê hương, hay thành lập Đoàn, nhiều hội trại được tổ chức. Nhưng… ngày xưa có khác bây giờ.

“Bây giờ thì điều đầu tiên sau khi xin đi trại, con tôi lại xin tiền”, một bậc phụ huynh bộc bạch. Tiền bao nhiêu không đáng kể lắm, nhưng hỏi cắm trại mà thứ gì cũng mua, sắm sửa trang hoàng đủ kiểu, lại ăn cơm hộp, uống nước khoáng… thậm chí trại cũng thuê người làm giúp. Cũng vị phụ huynh nọ kể lại ngày xưa cắm trại là để học được nhiều thứ, từ cách chẻ lạt, đan lát để dựng một cái cổng, đến cách buộc dây, chăng màn làm trại chính. Trong ăn uống thì góp khoai củ, gạo nếp… để tự tổ chức nấu nướng. Trong sinh hoạt thì tập thói quen vệ sinh, tập xếp hàng, tập các trò văn thể mỹ, tập ứng phó với các tình huống khó khăn thường gặp… Vì vậy, các em thiếu niên, qua đời sống trại, biết cách sống tự lập và thích nghi, hòa hợp với cộng đồng. Ngày xưa thế, bây giờ miễn có tiền là thứ gì cũng thuê mướn, sắm sửa tuốt, thì cắm trại hướng dẫn kỹ năng sống ra làm sao. Dĩ nhiên mỗi thời mỗi khác, đời sống vật chất trong xã hội khá hơn thì cuộc sống thu nhỏ ở trại cũng là phiên bản. Song, điều băn khoăn khi so sánh chuyện xưa – nay của các bậc phụ huynh không phải hoàn toàn vô lý. Thử hỏi, dẫu gia đình có sung túc bao nhiêu mà khả năng tự lập của con cái không được tôi rèn thì liệu khi tình huống xấu nhất xảy ra trong cuộc sống các em sẽ ứng phó thế nào?

Từ nỗi niềm chuyện đi cắm trại, thốt nhiên nghĩ đến hình ảnh ở xa… tận nước Nhật. Câu chuyện của một cảnh sát kể về cậu bé 9 tuổi gây xúc động khắp thế giới. Cậu bé ấy lạc cả cha mẹ, kiên nhẫn xếp hàng trong đói rét chờ đến lượt nhận thức ăn mà không xin ai nhường phần mình. Người cảnh sát quá thương vội chia sẻ phần lương khô của mình cho cậu bé nhưng cậu đã đem lên chỗ cấp phát để có thể chia cho tất cả mọi người, rồi trở lại xếp hàng. Bài học làm người trong một câu chuyện giản dị, khiến bao con tim phải rung lên những nhịp đập yêu thương, khâm phục. Người viết bài này còn nhìn câu chuyện ở khía cạnh khác về kỹ năng sống được thấm nhuần từ thuở bé của công dân Nhật. Khả năng chịu đựng, tuân thủ nguyên tắc sống vì cộng đồng, đã được tôi luyện và cả thế giới phải nghiêng mình kính phục người Nhật trong cơn thảm họa cùng cực vẫn có cách ứng xử văn hóa và quy củ, nền nếp.

Làm sao có thể truyền đạt kỹ năng và hướng sống cao thượng như cậu bé người Nhật qua tổ chức sinh hoạt trong nhà trường, qua các hoạt động dã ngoại như hội trại? Làm được điều ấy, thì hội trại mới có ý nghĩa lớn, để một khi lỡ phải đối mặt với cảnh đời gian khổ cũng biết cách ứng xử, không phải ngửa tay xin, tranh đoạt, giành giật hay ỷ lại.

NGUYỄN ĐIỆN NAM
Nguồn: Quảng Nam Online

Lê Hồng Sơn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *